18/12/2019 09:05:17

Cốp pha trong xây dựng là một công cụ thi công rất cần thiết và quan trọng cho việc đúc bê tông tại công trình. Có nhiều loại cốp pha trong xây dựng, chất liệu cũng như đặc tính khác nhau phù hợp với từng loại công trình, vì vậy bạn cần tìm hiểu các loại cốp pha trong xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, nếu thi công nhà ở trọn gói, bạn sẽ giao khoán toàn bộ công trình của mình cho đơn vị thi công thì chủ đầu tư sẽ không cần phải tốn thời gian cho việc lựa chọn từng loại cốp pha xây dựng mà sẽ bàn giao toàn bộ cho bên thi công.

Chức năng và thành phần chủ yếu của cốp pha mà người xây nhà cần lưu ý

Hai chức năng chủ yếu bao gồm:

Một là chống lực đẩy của bê tông ướt và đảm bảo kích thước hình học theo thiết kế của cấu kiện bêtông.
Hai là quyết định chất lượng bề mặt bê tông.

Cốp pha trong xây dựng có ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian thi công, đến chi phí và đặc biệt là chất lượng công trình. Nhiều người chỉ quan tâm đến việc lựa chọn kết cấu công trình sao cho chi phí về vật liệu bê tông và sắt thép là thấp nhất, mà không chú trọng đến yếu tố cốp pha và biện pháp đúc bê tông công trình. Trong một số bộ phận công trình, kinh phí cho cốp pha còn cao hơn kinh phí cho vật tư bê tông, sắt thép của bộ phận công trình đó. Chính vì thế, khi thi công chủ đầu tư cần phải rất lưu ý đến yếu tố này để bảo đảm về mặt kết cấu, thi công, đặc biệt là dự toán được chi phí.

Bài viết có liên quan: Cách tính gạch ốp tường và cách tính gạch lát nền theo m2

Thành phần bao gồm 3 phần:

Ván mặt: là phần tiếp xúc trực tiếp với bê tông, quyết định hình dạng, kích thước và chất lượng bề mặt kết cấu.
Sườn cứng: liên kết với ván mặt, tăng độ cứng cho cốp pha.
Các phụ kiện liên kết dùng để liên kết các tấm cốp pha với nhau trong cùng một mặt phẳng hoặc ở những mặt phẳng khác nhau, liên kết cốp pha với hệ chống đỡ.

Hiện nay, trên thị trường phổ biến chủ yếu các loại cốp pha sau:

Cốp pha thép định hình

Loại cốp pha này có khung thép định hình, trên bề mặt được căng những tấm thép mỏng. Do có trọng lượng lớn nên cốp pha thép thường được gia công với diện tích nhỏ, quá trình thi công cần nhiều nhân lực lắp ghép, ráp các tấm nhỏ thành một diện tích lớn và đòi hỏi một hệ thống giàn giáo chắc chắn làm bệ đỡ.

Cũng do đặc tính về trọng lượng nên quá trình vận chuyển cốp pha thép thường rất khó khăn. Mặt khác, bề mặt của thép có khả năng bám dính bê tông, vữa nên khi tháo dỡ, vận chuyển phải tiến hành gia công, xử lý.

Còn đối với chất lượng sản phẩm, do hạn chế về độ phẳng của từng tấm nên nhìn chung mỹ quan của khối bê tông chưa đảm bảo, để tạo mặt phẳng đòi hỏi người thợ phải thêm nhiều thao tác như đục, mài hoặc trát trần trước khi matiz, sơn.

Bài viết có liên quan: 4 loại thép thường dùng nhất trong xây dựng

Cốp pha gỗ tự nhiên

Loại cốp pha này được ghép từ những thanh gỗ tự nhiên, xẻ theo độ dày phù hợp tạo thành mặt phẳng phục vụ việc đổ bê tông vào khối.

Cũng giống như cốp pha thép định hình, cốp pha gỗ tự nhiên thường được gia công với diện tích nhỏ; để tạo thành khuôn đổ bê tông đòi hỏi nhân lực cần phải ghép các tấm mỏng với nhau. Bên cạnh đó, việc sử dụng cốp pha gỗ tự nhiên cũng phát sinh thêm chi phí lớp phủ tạo bề mặt ván khuôn.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, cốp pha gỗ tự nhiên còn bị các yếu tố như nhiệt độ, thời tiết…tác động trở nên cong vênh, bề mặt dễ bị biến dạng dẫn đến bề mặt khối đổ nhìn chung không đảm bảo.

Cốp pha gỗ công nghiệp

Cũng được sản xuất từ gỗ tự nhiên nhưng cốp pha gỗ công nghiệp được xử lý, chế biến để đảm bảo tính chất cơ lý, hóa học đồng đều hơn. Tuy không yêu cầu khắt khe về độ lớn hay tuổi thọ cây gỗ, nhưng cốp pha loại này vẫn có bề mặt phẳng và chống dính tốt do được phủ lớp phim cứng và bóng.

Ưu điểm nổi bật nhất của cốp pha gỗ công nghiệp đó là do được chế tạo với kích thước lớn, độ đồng đều cao, bề mặt và các cạnh phẳng nên việc thi công, lắp ghép rất dễ dàng và nhanh chóng. Các tấm cốp pha công nghiệp có thể được liên kết với nhau dưới nhiều hình thức như đóng đinh, bắt vít, khoan… Bên cạnh đó, các lớp gỗ trong tổng thể một tấm được liên kết với nhau bằng lớp keo có khả năng bám dính tốt nên có khả năng chịu nước và độ ẩm cao… từ đó tạo ra khối bê tông có bề mặt phẳng, đạt mỹ quan.

Với những ưu điểm nổi bật như vậy, hiện nay cốp pha gỗ công nghiệp đang là lựa chọn phổ biến cho doanh nghiệp xây dựng khi thi công, đặc biệt là trong thi công các công trình có diện tích sàn lớn.

Cốp pha Composite – Nhựa tổng hợp

Là loại cốp pha được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp, đạt tới độ chuẩn kích thước rất cao, đa dạng về hình dạng, đang được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển.

Cốp pha Composite – Nhựa tổng hợp nhìn chung có đặc điểm giống với cốp pha gỗ công nghiệp nhưng nó có ưu điểm hơn về trọng lượng (nhẹ hơn cốp pha gỗ công nghiệp) và có khả năng tái sử dụng nhiều lần, trong nhiều môi trường khác nhau.

Tuy nhiên, cốp pha Composite – Nhựa tổng hợp hiện nay chưa được sử dụng rộng rãi ở nước ta do đòi hỏi dây chuyền sản xuất lớn, công nghệ tốn kém, chi phí nguyên liệu cũng như giá thành nhập khẩu cao.

Trên đây là những thống kê mang tính tương đối về các loại cốp pha đang được sử dụng phổ biến trong xây dựng cơ bản tại Việt Nam. Các doanh nghiệp xây dựng cần căn cứ vào đặc điểm công trình, nhu cầu cũng như khả năng tài chính của doanh nghiệp để nghiên cứu kỹ lưỡng và có tính toán hợp lý, lựa chọn được loại cốp pha phù hợp nhất cho mình.

Xuân Đức Architect – 1 kỹ sư xây dựng với đam mê thiết kế kiến trúc ngôi nhà, đã triển khai nhiều dự án Sửa nhà trọn gói, xây nhà trọn gói, hoàn thiện biệt thự cho DG Home